Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Quốc Doanh cho biết, hiện diện tích rừng che phủ đạt trên 42%, chất lượng che phủ đã có sự cải tiến đáng kể. Về môi trường, năm 2021, chúng ta thu xấp xỉ 3.200 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường, tương đương trên 150 triệu đô la Mỹ. Đạt được thành tựu đó không thể phủ nhận vai trò to lớn của khoa học công nghệ.

Ngày 16/5, Trường ĐH Lâm Nghiệp đã tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lâm nghiệp giai đoạn 2022 – 2030” với sự tham gia của lãnh đạo Bộ NNPTNT, lãnh đạo nhiều Sở NNPTNT, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và một số tổ chức quốc tế cùng đông đảo các nhà khoa học...

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, nông nghiệp của chúng ta có sức sản xuất rất lớn nhưng nhiều lĩnh vực đang gặp khó khăn về thị trường. Riêng về gỗ và sản phẩm đồ gỗ còn rất nhiều dư địa. Ví dụ với Mỹ, quốc gia này luôn đã đánh giá chúng ta là một đất nước có trách nhiệm, minh bạch, từ nguyên liệu đầu vào. Với EU, chúng ta cũng đã kết thúc đàm phán, mở ra được rất nhiều dư địa.

“Nhưng chúng ta phải thấy, nếu chúng ta không chuẩn bị ngay các điều kiện cho thời gian tới thì “cái áo đó” sẽ bị "chật”, nhất là trong điều kiện dư địa tài nguyên không còn. Đất không còn nhiều để trồng thêm nhiều rừng nữa thì rất cần vai trò của khoa học công nghệ. Chỉ có khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể giúp chúng ta tận dụng cơ hội. Bên cạnh đó là vấn đề kết nối với các doanh nghiệp. Hiện nay các nhà máy chế biến tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, nhưng vùng nguyên liệu thì ở đâu? Chúng ta cần trao đổi, bàn bạc sâu sắc hơn”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị.

Đất không còn nhiều để trồng thêm nhiều rừng thì rất cần khoa học công nghệ vào cuộc -0
Đông đảo các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia hội thảo.

Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, Việt Nam phấn đấu trồng khoảng 340.000 ha rừng/năm vào năm 2030. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030. Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, phát triển khoa học công nghệ là nhân tố thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh; phấn đấu đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt 30%. Bên cạnh đó, bảo vệ rừng là bảo vệ an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, chống suy thoái đất đai, giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai.

PGS.TS Phùng Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp cho biết, nhiệm vụ ưu tiên được Trường ĐH Lâm nghiệp đặt ra là đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nghiên cứu các quy trình ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, giám sát và đánh giá tài nguyên và môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đồng thời, nhà trường sẽ phát triển thành một trung tâm đổi mới sáng tạo.

Đất không còn nhiều để trồng thêm nhiều rừng thì rất cần khoa học công nghệ vào cuộc -0
Ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam chia sẻ về giá trị và quan niệm về rừng của người Phần Lan.

Tại hội thảo, ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam đã chia sẻ, rừng ở đất nước này được coi là “nguồn cảm hứng” bởi rừng “thống trị” nhiên nhiên Phần Lan khi rừng chiếm trên 75% diện tích đất. Đây cũng là quốc gia giàu có về rừng nhất ở châu Âu. Đặc biệt hơn, hầu hết diện tích rừng ở Phần Lan có chủ rừng là hộ gia đình (620.000 chủ rừng)…Chiến lược bảo vệ rừng của Phần Lan là quản lý rừng bền vững –  được coi là nguồn của sự thịnh vượng. Và người Phần Lan bảo vệ rừng bằng cách, trồng mới 4 cây con để thay thế cho 1 cây con bị chặt. Hiện nơi này có 90% rừng thương mại được chứng nhận PEFC/FSC. Ông Keijo Norvanto còn cho biết, ở Phần Lan, gỗ là một vật liệu hữu dụng với quan điểm, “mọi thứ có thể được làm từ nhựa thì cũng có thể được làm từ gỗ”. Các công ty của Phần Lan thậm chí còn sản xuất bồn rửa bằng gỗ và dùng bột gỗ để bó bột cho xương bị gãy…

Hội thảo cũng đã cung cấp những số liệu liên quan đến chiến lược phát triển rừng trên thế giới như: 1/3 dân số toàn cầu phụ thuộc vào rừng để cung cấp thực phẩm. Thu nhập từ rừng chiếm tỉ trọng 28% trong tổng thu nhập của hộ gia đình trên toàn cầu. Những giải pháp được ưu tiên trên toàn cầu đó là: Giải quyết nguyên nhân phá rừng và suy thoái rừng; đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học và công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đón đầu xu thế và thị trường thế giới…

Nguồn: cand.com.vn