Trường ĐH Lâm Nghiệp cũng sẽ tiếp tục xét tuyển bằng học bạ trong năm 2020, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT, song chỉ sử dụng kết quả của 5 kỳ học (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) thay vì sử dụng kết quả học tập của 6 học kỳ như các năm trước.

Trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể tổ chức thi THPT quốc gia, nhiều đại học đã chuyển hướng lấy xét tuyển học bạ là chính. Vậy kết quả xét tuyển này có đáng tin cậy?

Xét tuyển học bạ đã được nhiều trường đại học thực hiện từ lâu. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2019 đã có tới 80% trường ĐH,CĐ đưa phương thức xét tuyển học bạ vào phương án tuyển sinh của mình nhưng số lượng chỉ tiêu chỉ chiếm 20 – 30% trong tổng chỉ tiêu của nhà trường.

Năm 2020, do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã phải lùi lịch học, tinh giản chương trình học, đồng thời Bộ GD&ĐT đã trình lên Chính phủ nhiều phương án trong thi tuyển THPT quốc gia.

Trước tình trạng này, nhiều trường đại học đã lên phương án tuyển sinh riêng như trường ĐH Bách khoa HN, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Hàng Hải… cũng đã khiến nhiều thí sinh lo lắng.

Tuy nhiên, đa số các trường đại học vẫn mong muốn tổ chức thi kỳ thi, nhưng nếu trong trường hợp không thể tổ chức thi, một số trường đại học đã lựa chọn xét tuyển theo học bạ.

Nhiều thí sinh lo lắng về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới sẽ diễn ra như thế nào?

Xét tuyển học bạ: Mềm dẻo và linh hoạt

 Trường ĐH Hàng Hải đã lên kế hoạch tuyển sinh năm 2020 là sẽ tổ chức kỳ thi riêng trên máy tính nếu dịch Covid-19 còn kéo dài khi Bộ GD&ĐT không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phương án lựa chọn vì nhà trường đã xác định: Năm 2020, phương thức xét tuyển học bạ chắc chắn là một trong các phương thức xét tuyển chính thức, cùng với các phương thức xét tuyển  dự kiến khác của Nhà trường.

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Khắc Khiêm, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hàng Hải cho biết, trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, nhà trường đã đưa phương thức xét học bạ bổ sung, áp dụng đối với các chuyên ngành khối ngành Kỹ thuật, Công nghệ… vì đây là những ngành học khó tuyển hơn các khối khác như Kinh tế, QTKD, Luật, Ngân hàng, nên thường có điểm chuẩn thấp hơn.

Nhà trường thực hiện phương thức xét theo kết quả trung bình điểm thi các năm học lớp 10, 11, 12 theo tổ hợp các môn phù hợp với tổ hợp môn xét tuyển.

Ông Khiêm cho rằng, phương thức xét tuyển này khá linh hoạt và mềm dẻo. Thủ tục xét tuyển cũng thuận lợi cho thí sinh: thí sinh tự đăng ký trên Cổng thông tin tuyển sinh của Nhà trường, tự khai hồ sơ trên cổng thông tin, nhập điểm kết quả học tập các môn học trong tổ hợp xét tuyển. Nhà trường sẽ xét tuyển tự động, khi thí sinh trúng tuyển nhập học mới nộp hồ sơ, học bạ gốc để kiểm tra theo quy định của Nhà trường.

Việc xét kết quả trung bình cả 03 năm lớp 10, 11, 12 cũng sẽ hạn chế bớt việc mất cân đối giữa các trường. Thực tế kết quả học tập cho thấy, nhiều SV trúng tuyển diện học bạ vẫn có kết quả học tập tốt không khác so với thí sinh trúng tuyển theo các phương thức khác.

PGS.TS Nguyễn Khắc Khiêm, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hàng Hải

"Đầu vào mới chỉ là một yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, không phải là yếu tố quyết định. Trong quá trình đào tạo của các Nhà trường, có quá trình đào thải. SV nào yếu sẽ bị loại trong quá trình đào tạo" - ông Khiêm nhấn mạnh.

Về việc xét học bạ ở khối ngành "học khó" như kỹ thuật, công nghệ, nếu thí sinh đầu vào thấp sẽ theo học khó khăn, ông Khiêm thừa nhận, với các chương trình đào tạo chuyên ngành về kỹ thuật công nghệ, thường nặng hơn khối ngành học khác vì có nhiều khối lượng đồ án, thiết kế, bài tập, thực hành... nên sinh viên vất vả hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, để cải thiện điều này, nhà trường đã cải tiến phương thức giảng dạy cho khối kỹ thuật, tăng cường hoạt động cố vấn học tập, đảm bảo sĩ số lớp học phần nhỏ, đổi mới cách thức đánh giá theo chuẩn đầu ra; tăng cường yêu cầu và giám sát công tác tự học, tự nghiên cứu của SV theo yêu cầu của GV...

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp​

Tương tự, trường ĐH Lâm Nghiệp cũng sẽ tiếp tục xét tuyển bằng học bạ trong năm 2020, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT, song chỉ sử dụng kết quả của 5 kỳ học (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) thay vì sử dụng kết quả học tập của 6 học kỳ như các năm trước.

"Với việc không sử dụng kết quả học kỳ II năm 2019-2020, thí sinh sẽ chủ động trong việc đăng ký và nhà trường sẽ tăng tính tự chủ trọng xét tuyển của các trường khi dịch Covid -19 vẫn đang tiếp diễn" – ông Chứ nhấn mạnh.

Ngoài ra, trường ĐH Lâm Nghiệp cũng sẽ bổ sung phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của các Trường/Nhóm trường có tổ chức kỳ thi riêng.

Trong trường hợp Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp bậc THPT nhưng có tinh giản số môn thi và kiến thức đã học thì nhà trường vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi THPT như các năm trước song sẽ có điều chỉnh tổ hợp các môn xét tuyển căn cứ vào ngành nghề và môn học được chọn để thi.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội​

Nhiều trường vẫn dè dặt, lo ngại không khách quan

 Trao đổi với PV Dân trí, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, vì các trường THPT khác nhau, ở các địa phương khác nhau, có mặt bằng về giáo viên, CSVC khác nhau, truyền thống và uy tín, chất lượng nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau. Ví dụ một em học điểm toán 9.0, học lực giỏi theo học bạ của trường này không có nghĩa tương đương với học lực giỏi ở một trường khác.

Khi đó chúng ta xét theo học bạ sẽ có yếu tố thiếu chính xác công bằng về học lực và có thể có yếu tố thiếu khách quan, nhất là các ngành "hot" như CNTT, Y, Dược, Kinh tế, Luật,....

Mặt khác, thực tế cũng cho thấy một số trường THPT cũng không quá khắt khe khi đánh giá, thậm chí "biếu điểm" cho học sinh, khi đó, mặc dù có thể có học bạ tốt và trúng tuyển vào ngành yêu thích, nhưng khi vào học lại rất khó có thể theo học được, ví dụ: các ngành khó như toán học, vật lý, CNTT, hóa học, y dược, tự động hóa, cơ điện tử,... các em sẽ không học được, phải bỏ học giữa chừng, lãng phí tuổi xuân cho thí sinh và thiệt hại tài chính cho gia đình và nhà trường.

Với tình hình dịch Covid-19 phức tạp hiện nay, theo GS Đức, việc xét tuyển đại học chỉ căn cứ vào học bạ, như trên đã phân tích, có thể nhàn cho các trường và dễ tuyển sinh, nhưng chúng ta có căn cứ để băn khoăn về chất lượng đầu vào.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải​

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, hiện tại trường có xét học bạ của một số ngành với tỷ lệ từ 10-20% theo chỉ tiêu được giao. Lý do mức độ xét học bạ để tạo điều kiện cho các thí sinh có cơ hội được học và mức độ xét học bạ ở tỷ lệ thấp để đảm bảo chất lượng tuyển sinh.

Theo ông Chương, hiện tại việc tuyển sinh của trường căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia là chính, tuy nhiên nếu như không tổ chức thi Trường sẽ gặp khó khăn trong việc xác định đầu vào.

Vì vậy nhà trường sẽ có giải pháp chính là xét tuyển theo học bạ qua các kỳ học của các môn theo tổ hợp tuyển sinh của trường.

Tuy nhiên, ông Chương cho rằng, cách làm này sẽ không được khách quan do kết quả học tập và cách đánh giá của các trường, các địa phương cũng có sự khác nhau. Nên nếu như Bộ GDĐT công bố sớm về phương thức sẽ tạo điều kiện cho các trường có biện pháp bổ sung thêm trong tuyển sinh cho phù hợp.

PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương​

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho hay, hiện nay trường đang xét kết hợp kết quả học tập cấp 3 của các học sinh hệ chuyên và chứng chỉ quốc tế. Với các đối tượng khác hiện trường chưa có kế hoạch xét học bạ.

Tuy nhiên, trong trường hợp không tổ chức thi THPTQG, trường đã có phương án dự phòng dự kiến sẽ công bố vào ngày 17/4.

Theo bà Hương, vẫn muốn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vì kỳ thi mới đảm bảo yêu cầu xét tuyển đại học và giảm bớt lo lắng cho thí sinh và gia đình. Các trường đại học, sẽ cố gắng hết sức để sao cho việc xét tuyển không gây hoang mang và ảnh hưởng tới các em.

Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, việc các trường mở rộng diện ưu tiên xét tuyển, tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực... mà các trường công bố trước khi xét tuyển có nhiều điểm tích cực vì các trường tự chủ hơn, trải nghiệm những hình thức xét tuyển khác trên phạm vi hẹp để nghiên cứu, đánh giá chất lượng nguồn tuyển. Đây là cơ sở để sau này trường có thể tuyển sinh quanh năm, giảm áp lực cho thi cử...

Theo vị lãnh đạo này, thực tế cho thấy, hầu hết các trường xét tuyển trước đều là những trường uy tín thì mới có sức hút thí sinh xác nhận nhập học trước.

Khi tuyển học bạ, trường thường kết hợp với các điều kiện các như được giải của tỉnh, thành phố, quốc gia, quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc chứng chỉ SAT, ACT... nên phương thức này có thể tin cậy, mở rộng trong thời gian tới.

Hồng Hạnh - Dân trí

Nguồn: dantri.com.vn