Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Đây là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá và đúng nghĩa sẽ là sự tác động để con người thay đổi tư duy làm việc, vận hành bộ máy từ đó sẽ tìm cách để ứng dụng nó vào từng hoạt động cụ thể của doanh nghiệp.

Đứng trước bối cảnh xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Trường Đại học Lâm nghiệp đã nhanh chóng chuyển mình, biến thách thức thành cơ hội để phát triển, xác định chuyển đổi số là tất yếu và là con đường đi đến tương lai của giáo dục. Nhà trường với tư cách là trường đại học đầu ngành về lâm nghiệp và đa ngành đã từng bước đầu tư, phát triển các nền tảng hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn, học thuật trong hệ thống như: thư viện số, hệ thống quản lý học vụ…

Tuy nhiên, quá trình này cần cân nhắc đến các điều kiện hiện hữu về hạ tầng công nghệ, kinh phí, sự đồng bộ. Một thực tế phải thừa nhận rằng, các nền tảng này còn rời rạc, chưa liên thông trong toàn hệ thống, chưa khai thác hết những tiến bộ của công nghệ để phục vụ đào tạo, chưa thực sự hỗ trợ được cho công tác quản trị, quản lý và chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người học,...

Chuyển đổi số - một phần tất yếu trong quá trình phát triển của giáo dục đại học - Ảnh 1.

GS. TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp

Tại trường Đại học Lâm nghiệp, chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học đã được triển khai từ khá sớm. Hệ thống quản lý đào tạo (trường đại học thông minh) đã được xây dựng, vận hành đồng bộ trên quy mô toàn trường từ năm 2008 khi bắt đầu triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ, cho phép người học đăng ký học tập, xem kết quả học tập, đóng học phí online.

Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số trong Trường ĐHLN tập trung vào ba nội dung chính: (1) Chuyển đổi số trong quản trị nhà trường; (2) Chuyển đổi số trong giảng dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, in ấn, xuất bản giáo trình, tài liệu,..; (3) Phát triển nguồn học liệu số.

Trong thời gian tới, nhà trường đã có các kế hoạch cụ thể trong việc tăng cường triển khai chuyển đổi số, cụ thể bao gồm thay đổi về cơ sở pháp lý; tập trung vào số hóa thông tin quản lý, tạo ra những bộ cơ sở dữ liệu lớn có tính đồng bộ, liên thông; xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ số không gian giảng dạy, học tập; chuyển dịch các hội thảo quốc gia, quốc tế sang hình thức trực tuyến và vẫn đảm bảo đúng kế hoạch,...

GS. TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp chia sẻ: "Về bản chất, chuyển đổi số không thay đổi giá trị cốt lõi hay mô hình của một tổ chức giáo dục đại học mà là sự chuyển đổi hoạt động cốt lõi thông qua công nghệ và nền tảng số, đồng thời nắm bắt các cơ hội mà chúng mang lại. Nói cách khác, chuyển đổi số là sự giao thoa giữa công nghệ và chiến lược đào tạo. Để chuyển đổi số cần phải áp dụng đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp nhưng cần trọng tâm vào khâu yếu của Nhà trường. Chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT phải bắt đầu từ công tác dạy và học, đó là sự thay đổi về mặt nhận thức, tạo lập nên môi trường học tập số, học liệu số. Từ đó thay đổi phương pháp dạy và học, qua đó hình thành nên những học viên số và giảng viên số."

Chuyển đổi số - một phần tất yếu trong quá trình phát triển của giáo dục đại học - Ảnh 2.

GS. TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp làm việc với Đại học Shuzioka - Nhật Bản về trao đổi giảng viên, sinh viên và nghiên cứu khoa học

Chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình thay đổi phương thức thực hiện giáo dục truyền thống bằng phương pháp giáo dục hiện đại, bao gồm cả cơ sở vật chất và các phương thức giáo dục, phương thức dạy học, phương thức quản lý giáo dục, tận dụng tối đa công nghệ hướng tới nền giáo dục chất lượng cao. Đối với giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy - học. Chính vì vậy, hiểu đúng về chuyển đổi số, đánh giá đúng thực trạng để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng với Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số trong trường đại học cũng gặp phải nhiều thách thức, đòi hỏi quyết tâm của lãnh đạo, tư duy, năng lực quản lý và giảng dạy. Lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường, người thầy phải thay đổi. Họ phải đối mặt với những phương thức giảng dạy, đào tạo, quản lý trên không gian ảo, khai thác hiệu quả công nghệ cho mục đích này. Ngoài ra, chuyển đổi số đòi hỏi nhân sự trực tiếp thực hiện việc đào tạo phải có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ. Hạ tầng công nghệ mới cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý cũng như các ứng dụng phần mềm, các nền tảng để toàn bộ hoạt động giáo dục và quản lý của các cấp diễn ra trên cùng một nền tảng, tương thích, kết nối và tích hợp được đều là các yêu cầu cấp thiết.

Nguồn: vtv.vn