BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP

------------------------

Số: 128 /QĐ-ĐHLN-CTCTSV

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2018

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định Văn hóa học đường và chuẩn mực ứng xử

của học sinh, sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp

 

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP

 

Căn cứ Quyết định số 5420/QĐ-BNN-TCCB ngày 27/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước;

Căn cứ điều kiện thực tế của Trường Đại học Lâm nghiệp;

Xét đề nghị của Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Văn hóa học đường và chuẩn mực ứng xử của học sinh, sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trưởng các đơn vị trong Trường, toàn thể cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên của Trường chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:

- Như điều 3;

- Hiệu trưởng;

- Chủ tịch HĐT;

- Các Phó Hiệu trưởng;

- Công đoàn, Đoàn TN, Hội SV;

- Lưu: VT, CT&CTSV.

HIỆU TRƯỞNG

 

Đã ký

 

Trần Văn Chứ

 

QUY ĐỊNH

Văn hóa học đường và chuẩn mực ứng xử

của học sinh, sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp

(Ban hành kèm theo Quyết định số 128 /QĐ-ĐHLN-CTCTSV

ngày 18 tháng 01 năm 2018  của Hiệu trưởng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh (sau đây gọi tắt là sinh viên) đang học tập tại Trường Đại học Lâm nghiệp.

2. Quy định này quy định về trang phục, bảo vệ tài sản, an ninh trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan, môi trường và các chuẩn mực ứng xử của sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp.

Điều 2. Mục đích

1. Hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện tại Trường Đại học Lâm nghiệp; quy định những việc phải làm hoặc không được làm đối với sinh viên.

2. Xây dựng môi trường văn hóa, văn minh, hiện đại, phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và điều kiện đặc thù của Trường Đại học Lâm nghiệp.

3. Thể hiện tính văn minh, lịch sự, tôn trọng mọi người và tôn trọng bản thân; góp phần giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống lành mạnh; xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của sinh viên trong học tập và rèn luyện.

4. Là căn cứ để đánh giá, xét khen thưởng và kỷ luật khi sinh viên vi phạm các chuẩn mực văn hóa học đường, văn hóa ứng xử.

 

Chương II

QUY ĐỊNH VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG

 

Điều 3. Quy định về trang phục

1. Trong giờ học, làm việc tại công sở, sinh viên phải đeo đúng thẻ của mình đã được Nhà trường cấp; mặc trang phục gọn gàng, lịch sự, phù hợp với môi trường giáo dục (mặc quần dài, đi giầy hoặc dép có quai hậu; nữ sinh viên không mặc váy quá ngắn, váy xẻ cao hoặc quá mỏng; nam sinh viên mặc áo phông phải là áo có cổ; khuyến khích sinh viên mặc áo có logo quảng bá hình ảnh của Trường).

2. Khi tham dự các buổi lễ, đại hội, hội nghị, hội thảo, ngoài trang phục quy định ở trên, khuyến khích nam sinh viên mặc áo sơ mi trắng, quần tối màu, thắt cà vạt, mùa đông mặc thêm áo vest; nữ sinh viên mặc áo dài truyền thống, mùa đông có thể mặc thêm áo vest. Khuyến khích sinh viên là người dân tộc thiểu số, lưu học sinh nước ngoài sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc, quốc gia mình.

3. Trong giờ học các môn Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất, làm việc tại phòng thí nghiệm, thực hành, sinh viên được sử dụng trang phục theo quy định riêng.

Điều 4. Quy định về bảo vệ tài sản

1. Thực hiện nghiêm chỉnh các nội quy, quy định chung của Nhà trường và các quy định của các đơn vị trong Trường về việc sử dụng và bảo vệ tài sản.

2. Có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và sử dụng an toàn, tiết kiệm, có hiệu quả tài sản của Nhà trường và của cá nhân. Không hủy hoại, phá phách làm hư hỏng các trang thiết bị và các tài sản khác của Nhà trường; tắt đèn, quạt và các thiết bị điện ở các phòng học sau khi tan học; tắt điện, nước khi không sử dụng ở giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành, nhà công sở, ký túc xá...

3. Đối với các phòng làm việc, phòng học có trang bị điều hòa cần sử dụng điều hòa hợp lý, chỉ nên đặt nhiệt độ ≥ 25­C; khi ra khỏi phòng phải tắt điều hòa, quạt, điện.

Điều 5.  Quy định về giữ gìn an ninh trật tự

1. Nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy, quy định của Nhà trường và đơn vị nơi đến làm việc, học tập, nghiên cứu, thí nghiệm, thực hành.

2. Thực hiện đúng các quy định về tạm trú, tạm vắng.

3. Tổ chức các hoạt động tập thể như: văn nghệ, thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ, đội, nhóm… đúng nơi quy định.

4. Không tự ý tập trung đông người, gây rối trật tự công cộng; không tham gia biểu tình, lập hội và các hình thức hoạt động khác trái với quy định của pháp luật; không tự ý tổ chức uống rượu, bia trong Trường.

5. Không tham gia vào các tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan; không đánh bạc, cá độ, trộm cắp dưới mọi hình thức; không in sao, phát tán, sử dụng các tài liệu có nội dung phản động, bạo lực, đồi trụy.

6. Không tàng trữ, vận chuyển, trao đổi, mua bán, sử dụng, mang vũ khí, hung khí, chất cháy, nổ, các loại hóa chất độc hại trái phép trong và ngoài Trường theo quy định của pháp luật.

7. Không tuyên truyền, phát ngôn hoặc có các hình thức, hành vi xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội dung giáo dục, quy định của Nhà trường.

8. Không trèo tường rào khi các cổng ra vào đóng cửa (cổng ký túc xá từ 22h30 hôm trước đến 5h00 sáng hôm sau, cổng Trường từ 23h00 hôm trước đến 5h00 sáng hôm sau).

Điều 6. Quy định về an toàn giao thông

1. Tuyệt đối chấp hành đúng Luật giao thông đường bộ, các biển báo cấm, hiệu lệnh chỉ dẫn giao thông trong khu vực Trường và hướng dẫn của lực lượng bảo vệ. Không chở vượt quá số người quy định, chạy xe quá tốc độ cho phép, chạy ngược chiều, chạy xe thành nhiều hàng, lạng lách, đánh võng....

2. Để xe đúng nơi quy định. Trong giờ học, giờ làm việc, không để xe trên đường đi, vườn hoa, sân trường...

Điều 7. Quy định về giữ gìn vệ sinh, cảnh quan, môi trường

1. Chấp hành đúng nội quy, quy định của Nhà trường, có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, cảnh quan, môi trường, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

2. Không ăn trong phòng học; không vứt rác bừa bãi, làm bẩn, ô nhiễm môi trường. Không tự ý viết, vẽ, dán lên tường, bàn, ghế trong các phòng học, phòng làm việc, phòng ở ký túc xá và các khu vực khác trong Trường.

 

Chương III

CHUẨN MỰC ỨNG XỬ CỦA SINH VIÊN

 

Điều 8. Quy định chung

1. Sinh viên phải có tư cách lịch sự, tôn trọng mọi người; không có những hành vi, biểu hiện thiếu văn hóa như nói tục, chửi bậy, cãi nhau; không sử dụng điện thoại trong giờ học, dự họp.

2. Không xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người khác.

3. Khi tham gia hội họp, sinh hoạt, học tập phải đúng giờ, đúng thành phần; vắng mặt phải báo cáo xin phép trước với người chủ trì; phát biểu phải được sự đồng ý của người chủ trì, giữ thái độ đúng mực, không nói chen ngang khi phát biểu, thảo luận.

Điều 9. Ứng xử với bản thân và gia đình

1. Sống có trách nhiệm và tôn trọng bản thân, không làm những việc trái quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng tới danh dự của bản thân và gia đình. Có lòng tự trọng, tính trung thực, khách quan và khiêm tốn.

2. Có ý thức phấn đấu trong học tập và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; rèn luyện lối sống tự lập, lành mạnh, tiết kiệm.

3. Là công dân tốt nơi cư trú.

Điều 10. Ứng xử với bạn bè, người học trong Trường

1. Luôn tôn trọng, chân thành và thân thiện; đoàn kết, cởi mở, cảm thông, chia sẻ, xây dựng mối quan hệ bạn bè trong sáng, lành mạnh, động viên và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Thẳng thắn phê bình, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tiêu cực.

2. Không ganh ghét, đố kỵ, xích mích, bè phái, mất đoàn kết, phản ánh sai sự thật làm tổn thương đến tinh thần và xâm phạm thân thể lẫn nhau. Không chạy theo chủ nghĩa thành tích, không bao che khuyết điểm.

3. Sử dụng ngôn từ trong sáng, không nói tục, chửi bậy; hành vi và cử chỉ đúng mực.

4. Thể hiện đức tính khiêm tốn, cầu thị; biết nhận lỗi và sửa lỗi khi sai sót.

Điều 11. Ứng xử với cán bộ, viên chức, người lao động trong Trường

1. Kính trọng, lễ phép, đúng mực với cán bộ, viên chức, người lao động (CBVC) trong Trường. Thái độ chào hỏi, ngôn ngữ trong xưng hô thể hiện sự "tôn sư, trọng đạo". Không sử dụng mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin và bình luận thiếu tính xây dựng về Nhà trường; phán xét, nhận định không đúng sự thật theo chiều hướng tiêu cực đối với CBVC.

2. Có thái độ tích cực khi bày tỏ ý kiến và nguyện vọng của mình, của tập thể đối với Nhà trường, các đơn vị trong Trường và với từng CBVC trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, trung thực và mang tính xây dựng.

3. Tích cực hợp tác với CBVC trong hoạt động giáo dục và đào tạo.

4. Không sử dụng vật chất, tiền bạc và những mối quan hệ cá nhân đặc biệt làm "công cụ" tạo sự thiên vị, mưu cầu lợi ích của cá nhân, lợi ích nhóm.

5. Dũng cảm đấu tranh, lên án hành vi vụ lợi cá nhân; những cá nhân lợi dụng việc chung để thực hiện những hành vi vi phạm phẩm chất đạo đức, làm xấu mối quan hệ thầy - trò trong Trường. Mạnh dạn báo cáo và đề nghị Nhà trường làm sáng tỏ mọi hành vi trù dập, đe dọa, gợi ý tiêu cực của CBVC với người học.

Điều 12. Ứng xử với khách đến thăm và làm việc tại Trường

1. Khi có khách đến thăm và làm việc tại Trường, sinh viên phải có tinh thần hợp tác, cởi mở, lịch thiệp trong giao tiếp.

2. Nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn và giải thích trong giới hạn cho phép và hiểu biết của mình khi khách cần sự trợ giúp.

Điều 13. Ứng xử với cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài Trường

1. Ứng xử văn hóa, nhã nhặn, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của tổ chức, cá nhân và nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật, nội quy, quy định của các cơ quan, tổ chức.

2. Không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục tại nơi công cộng để bảo đảm sự tiến bộ, văn minh của xã hội. Không chen lấn, xô đẩy nhau nơi công cộng. Kính trọng người lớn tuổi, có ý thức giúp đỡ, ưu tiên người già, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em.

Điều 14. Ứng xử ở nơi cư trú

1. Tích cực tham gia các hoạt động ở nơi cư trú, chịu sự giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nơi cư trú.

2. Tích cực tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nơi cư trú và tuân thủ pháp luật.

3. Không vi phạm các quy định về đạo đức công dân đã được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện.

Điều 15. Ứng xử trong học tập, rèn luyện

1. Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định của Bộ, Nhà trường như: Quy chế đào tạo, Quy chế công tác sinh viên, Quy chế sinh viên nội trú, ngoại trú, Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện...

2. Tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của Nhà trường để biết rõ hơn về môi trường bản thân đang học tập và rèn luyện.

3. Có ý thức tự học, từ giác và tích cực, chủ động trong quá trình tiếp nhận kiến thức: lắng nghe thầy, cô giảng bài, tích cực tham gia thảo luận, tranh luận trên lớp, hoàn thành tốt và đúng thời hạn các bài tập được giao… Tích cực vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tế cuộc sống.

4. Trung thực, nghiêm túc trong học tập và rèn luyện. Không gian lận trong thi cử dưới mọi hình thức. Trình bày bài thi sạch sẽ, có trách nhiệm để vừa thể hiện sự tôn trọng giảng viên, vừa thể hiện sự tôn trọng kiến thức và tôn trọng bản thân.

5. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng và các phong trào thi đua trong và ngoài Trường phát động. Có ý thức tự rèn luyện các kỹ năng sống và học tập.

Điều 16. Ứng xử trong nghiên cứu khoa học

1. Trung thực trong quá trình thực hiện và công bố các tiểu luận, khóa luận, luận văn, luận án, công trình nghiên cứu khoa học.

2. Tôn trọng bản quyền; không đạo văn, đạo ý tưởng của người khác.

3. Không giả mạo hoặc làm sai lệch dữ liệu trong nghiên cứu khoa học.

4. Có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu của Trường trong cộng đồng nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.

5. Kiên quyết đấu tranh đối với những hành vi tiêu cực trong nghiên cứu khoa học; không bao che, thỏa hiệp với tiêu cực trong khoa học.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 17. Trách nhiệm thực hiện

1. Mỗi sinh viên cần nắm vững, thực hiện đúng, đầy đủ, đồng thời giám sát, nhắc nhở sinh viên khác cùng thực hiện Quy định này.

2. Cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phổ biến Quy định này đến sinh viên của lớp.

3. Các đơn vị trong Trường và toàn thể CBVC có trách nhiệm đôn đốc, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục, kiểm tra việc thực hiện Quy định này của sinh viên khi học tập, thực hành, thực tập, làm việc tại công sở.

4. Phòng Chính trị và Công tác sinh viên chủ trì, phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các đơn vị thuộc Trường có liên quan kiểm tra và xử lý sinh viên vi phạm Quy định này.

Điều 18. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Thực hiện nghiêm túc Quy định này là một trong các tiêu chí xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể lớp và cá nhân sinh viên theo học kỳ và cả năm học.

2. Sinh viên vi phạm một trong các nội dung của Quy định này sẽ bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Ngoài các hình thức xử lý kỷ luật theo Quy chế công tác sinh viên, sinh viên còn phải chịu trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại; nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây trái với Quy định này đều bị bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện Quy định này có thể được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tế và những quy định mới của Nhà nước, các bộ, ban, ngành có liên quan.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

Trưởng các đơn vị, tổ chức đoàn thể, toàn thể cán bộ, viên chức, sinh viên trong Trường chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này./.


HIỆU TRƯỞNG

Đã ký

Trần Văn Chứ